Hơn một triệu thí sinh đến làm thủ tục thi THPT quốc gia

   Ngày đăng: 8/19/2015 2:39:31 PM
       
Thứ ba, 30/6/2015 | 10:17 GMT+7
 
Sáng 30/6, hơn một triệu thí sinh cả nước đến 38 cụm thi quốc gia và 65 cụm thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì để làm thủ tục dự thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức.
  •  

Tại TP HCM, gần 158.000 thí sinh của 7 tỉnh thành gồm TP HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến làm thủ tục dự thi tại 8 cụm thi quốc gia. Tại cụm thi Đại học Công nghiệp TP HCM, nơi tổ chức thi cho 20.000 thí sinh, các em đã có mặt tại 18 điểm thi để nghe quy chế thi và chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ.

Tỏ ra khá lo lắng trước kỳ thi chung năm nay, Lê Tuấn Anh cho biết ngoài ba môn Toán, Văn, Anh còn đăng ký thi thêm môn Vật lý, Hóa học và Sinh học để đăng ký xét tuyển đại học. Phải thi 6 môn cùng một lúc nên Tuấn Anh cho biết khá căng thẳng vì phải học ôn rất nhiều.

IMG-7131-JPG-1309-1435630071.jpg

Thí sinh tại điểm thi trường ĐH Công nghiệp TP HCM làm đơn thông báo các sai sót trong thẻ dự thi của mình. Ảnh: Nguyễn Loan

Nhiều thí sinh tại Đại học Công nghiệp cho biết trên thẻ dự thi mới được phát có nhiều lỗi sai sót như sai ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, đặc biệt giấy báo dự thi của nhiều em cùng bị sai lỗi về địa điểm cư trú. Thí sinh Nguyễn Văn Trí cho biết địa chỉ nhà được đánh trùng lặp tới hai lần. Còn em Nguyễn Viết Thịnh cuống cuồng khi thấy tên mình trên thẻ dự thi là Nguyễn Viết Tịnh...

Để trấn an tinh thần của thí sinh, giám thị Nguyễn Tất Sơn cho biết những lỗi sai sẽ được thầy cô giám thị ghi nhận lại, sau đó báo lên cho hội đồng thi để có cách giải quyết sớm nhất. Theo thầy thì những lỗi này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình làm bài hay kết quả thi của các em.

Tại Hà Nội, hàng nghìn thí sinh và người nhà cũng đã đổ về điểm thi ở Đại học Bách khoa Hà Nội để làm thủ tục. 8h mới đến thời gian làm quy chế nhưng nhiều sĩ tử vì lo lắng, sợ tắc đường đã có mặt tại trường thi khá sớm. Một nhóm thí sinh được đưa đến bằng xe công vụ.

Trịnh Thị Linh (Ý Yên, Nam Định) thuê trọ cách Đại học Bách khoa khoảng một km nhưng sáng nay hai bố con em đã thức dậy từ 5h sáng để tới trường. Linh cho biết khá hồi hộp không biết giấy tờ của mình còn bị sai sót gì để việc dự thi ngày mai được thuận lợi. “Giấy báo thi của em may mắn không sai thông tin gì. Một số bạn khác trong phòng thi của em bị sai số chứng minh thư và đã được các giám thị nhắc báo lỗi để sửa ngay”, Linh nói.

Thí sinh Nguyễn Văn Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, sai sót giấy tờ phổ biến nhất trong phòng thi của em là sai số chứng minh thư. Sáng nay, từ nhà đến trường thi, thí sinh này bị tắc đường một số đoạn. Do xe cộ đông cộng thêm cái nắng gay gắt từ sáng sớm khiến Nam mệt mỏi. “Có lẽ ngày mai em sẽ phải đến trường thi sớm hơn để đảm bảo sức khoẻ”, thí sinh cho biết.

phobienquyche-8158-1435633990.jpg

Thí sinh được giám thị phổ biến quy chế. Ảnh: Giang Huy.

Tại điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành (Hội đồng thi Đại học Sư phạm Hà Nội), nhiều phụ huynh cùng thí sinh tập trung đến từ sáng sớm, ngồi dưới bóng cây, ghế đá để tránh nắng nóng. Đúng 8h, các thí sinh tập trung vào phòng để làm thủ tục dự thi. Do tắc đường, tìm không thấy phòng thi, nhiều em đến muộn gần 30 phút so với giờ quy định làm thủ tục cũng được cán bộ phòng thi nhắc nhở nên tập trung đúng giờ khi vào buổi thi sau.

Các thí sinh nhanh chóng kiểm tra thông tin trên giấy báo, thẻ dự thi. Ghi nhận tại các phòng không có nhiều sai sót, chủ yếu là sai môn thi. Em Đỗ Quốc Cường đăng ký thi 4 môn là Anh, Văn, Địa, Sử, nhưng bị nhầm môn Sử thành môn Sinh. Cường nhanh chóng báo lại cho giám thị, sau đó sẽ lên Hội đồng thi để chỉnh sửa lại sai sót để yên tâm bước vào kỳ thi.

Ngoài chỉnh sửa sai sót, kiểm tra thông tin trên thẻ dự thi, giám thị còn cẩn thận dặn dò các thí sinh không mang điện thoại, ví tiền, vật dụng đắt tiền vào phòng trong suốt kỳ thi. Ngoài trái quy định, thí sinh còn dễ bị mất tài sản do không có người trông coi.

Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả), năm nay lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Kỳ thi được đánh giá là sự đột phá trong đổi mới thi cử nhằm giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy và trung thực, đồng thời cung cấp căn cứ làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 1.004.480 thí sinh dự thi, trong đó có hơn 279.000 em chỉ để xét tốt nghiệp, số còn lại là thi với hai mục đích tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng

(Nguồn vnexpress.net)